Theo Bí thư Hà Nội, để đạt mục tiêu trên, thành phố rất mong các doanh nghiệp chung tay, đồng hành và nếu đạt được mục tiêu trên “thì đây là kỳ tích”.
>>Chuyên gia quốc tế: “Việt Nam sẽ trở thành nước thắng lớn hậu đại dịch Covid-19”
Nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, ứng phó với Covid-19, chiều 16/4 vừa qua, lãnh đạo Hà Nội đã tổ chức buổi đối thoại với một số doanh nghiệp – đại diện cho trên 285.000 doanh nghiệp trên địa bàn.
Bí thư thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tại buổi đối thoại với doanh nghiệp chiều 16/4. Ảnh: Trọng Toàn.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, do ảnh hưởng của Covid-19, 3 tháng đầu năm, tăng trưởng của thành phố đạt 3,72% thấp hơn mức bình quân cả nước. Hà Nội đang phấn đấu giảm thiểu thiệt hại kinh tế, duy trì và phát triển sản xuất, tạo nguồn lực đảm bảo an sinh xã hội và chuẩn bị tiềm năng để phục hồi kinh tế.
“Đây là lúc nạp năng lượng, tạo hiệu năng để khi vượt qua dịch thì kinh tế có thể tăng trưởng vượt bậc như Thủ tướng đã nói, kinh tế sẽ như lò xo nén lâu ngày bật trở lại”, ông Huệ nói và bày tỏ mong muốn doanh nghiệp, nhà đầu tư hiến kế để duy trì tăng trưởng.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu Tư Nguyễn Mạnh Quyền, chỉ trong 3 tháng đầu năm, dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động: trên 4.000 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động (tăng 36% so với cùng kỳ), số lao động thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp hơn 13.000, tăng 22,2% so với cùng kỳ.
Chủ tịch tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga. Ảnh: Trọng Toàn.
Chia sẻ về tổn thất do dịch bệnh gây ra, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG cho biết: “Thiệt hại sơ bộ của tập đoàn gần 1.000 tỷ đồng và khoảng 3.700 tấn gạo chưa được xuất khẩu”, và đề nghị thành phố cho mở cửa lại các khách sạn, sân golf kèm theo điều kiện về an toàn như nhóm chơi golf không quá 8 người, đứng cách xa nhau 2 m.
Theo Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành, trong hai tuần giãn cách xã hội, lượng khai thác của các hãng chỉ 2-5% năng lực. Với đường bay quốc tế, Vietnam Airlines chủ yếu tham gia chở hàng y tế và đưa công dân Việt Nam và các nước hồi hương. Khoảng 3.000 tiếp viên, 1.000 phi công bị ảnh hưởng.
“Đến nay, chúng tôi không đặt vấn đề lỗ lãi nữa, bởi lợi nhuận gần như không có, giải pháp đặt ra phải phục hồi thế nào trong thời gian tới mới là quan trọng”, ông Thành nói và cho biết với quy mô như Vietnam Airlines (khoảng 100 máy bay), nếu làm ăn tốt sau dịch, tối thiểu phải 5 năm mới bù được khoản lỗ đã phát sinh.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Tập đoàn T&T, cho rằng đầu vào và ra của doanh nghiệp vừa và nhỏ tập trung vào một vài thị trường và đối tác, nhưng tất cả đều chịu ảnh hưởng lớn của dịch. Doanh nghiệp đang mong đợi các giải pháp hỗ trợ, hy vọng được triển khai nhanh chóng vì chậm có nguy cơ doanh nghiệp “sụp đổ”.
Ông Hiển đề xuất thành phố kiến nghị Chính phủ cơ chế để Công ty May 10 có thể xuất khẩu đơn hàng 400 triệu khẩu trang. Năng lực sản xuất khẩu trang của doanh nghiệp trong nước đủ đáp ứng, nhu cầu trong nước thậm chí dư thừa và hiện là thời cơ thuận lợi để xuất khẩu trong bối cảnh nhiều nước đang thiếu.
Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch tập đoàn T&T. Ảnh:Trọng Toàn.
Đại diện Tập đoàn Vingroup cho biết, do chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, thiếu linh kiện phụ tùng, việc sản xuất ôtô, xe máy ngưng trệ khiến doanh nghiệp lỗ trên 10.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tất cả khu nghỉ dưỡng, công viên giải trí phải dừng; 70% cơ sở khách sạn dừng hoạt động… Khoản lỗ riêng trong lĩnh vực du lịch của tập đoàn khoảng 3.000 tỷ đồng.
Về giáo dục, 100% hệ thống trường lớp của tập đoàn đóng cửa. Tập đoàn đã đầu tư xây dựng chương trình học trực tuyến nhưng miễn phí cho học sinh, nhưng không thu thêm bất kỳ chi phí nào, trong khi vẫn phải trả lương cho cán bộ, giáo viên.
Là doanh nghiệp duy nhất tại buổi đối thoại công bố “tăng doanh số”, bà Thái Hương, Chủ tịch TH True Milk đề nghị tặng thành phố cây xanh góp phần bảo vệ môi trường. Bà cho rằng, những ngày giãn cách xã hội là dịp để thành phố tiến hành các hoạt động chỉnh trang đô thị.
Đồng tình với ý kiến trên, Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ cho hay thời điểm giãn cách xã hội là lúc các đơn vị cần tranh thủ chỉnh trang vỉa hè, công viên. Các đơn vị liên quan cần đẩy nhanh dự án chỉnh trang đô thị, góp phần đưa thành phố xanh, sạch hơn.
Bí thư Hà Nội cam kết đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thích ứng với điều kiện giãn cách xã hội. Thành phố sẽ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy đầu tư công theo nguyên tắc “góp gió thành bão”. Hà Nội cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh đối với các ngành, lĩnh vực có lợi thế trong bối cảnh dịch bệnh, nhất là công nghệ thông tin, sản xuất vật tư, thiết bị y tế… để vừa tạo cầu, vừa tạo cung cho doanh nghiệp.
Ông Huệ thống nhất khởi động lại tổ công tác do Phó chủ tịch UBND thành phố làm tổ trưởng để xem xét, giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp. Thành phố cũng đã giao cho các sở, ngành phối hợp, hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho từng loại hình sản xuất kinh doanh, để vừa phòng, chống dịch tốt, vừa đảm bảo an toàn cho hoạt động của doanh nghiệp.
Theo Bí thư Hà Nội, thành phố đã hứa với Chính phủ phấn đấu mức tăng trưởng gấp 1,3 lần so với bình quân chung của cả nước. Để đạt mục tiêu trên, thành phố rất mong các doanh nghiệp chung tay, đồng hành và nếu đạt được mục tiêu trên “thì đây là kỳ tích”.
Về các kiến nghị cụ thể của doanh nghiệp, Bí thư Hà Nội giao UBND thành phố giải quyết ngay nếu thuộc thẩm quyền. Với những vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố, Ban cán sự Đảng UBND thành phố tổng hợp, trình HĐND thành phố quyết định. Dự kiến cơ quan dân cử thành phố sẽ có cuộc họp bất thường xem xét, thông qua các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.
Đối với các kiến nghị thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội, thành phố sẽ tổng hợp để báo cáo với Thủ tướng tại buổi làm việc của Thủ tướng với thành phố, dự kiến được tổ chức vào tuần tới.
Ba kịch bản kinh tế xã hội của Hà Nội ứng phó với Covid-19
– Dịch bệnh sớm được kiểm soát, quý II lấy lại đà tăng trưởng và quý III, IV có sự bứt phá, tăng trưởng cả năm đạt 7,5% hoàn thành kế hoạch đề ra.
– Dịch bệnh được kiểm soát vào quý II nhưng tăng trưởng tiếp tục bị ảnh hưởng, không thể bứt tốc, cả năm dự kiến đạt 6,42%, không đạt kế hoạch đề ra.
– Dịch bệnh kéo dài đến hết năm, tăng trưởng cả năm đạt 5,34%, không đạt kế hoạch đề ra (cả nước dự báo tăng trưởng 4,8%).
Theo VnExpress